Kỳ thi vào lớp 10 năm nay tại TP.HCM sẽ diễn ra từ ngày 5 tới 7-6 với hơn 96.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Nắm rõ cấu trúc đề thi
- 𝑴𝒐̂𝒏 𝑵𝒈𝒖̛̃ 𝑽𝒂̆𝒏: Chủ yếu kiến thức đề ra đều thuộc về các bài trong sách giáo khoa lớp 9. Bài thi thường có cấu trúc gồm ba phần: Đọc – Hiểu 3 điểm, Nghị luận Xã hội 3 điểm và Nghị luận Văn học 4 điểm.
- 𝑴𝒐̂𝒏 𝑻𝒐𝒂́𝒏: Có cấu trúc là 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, 30% vận dụng – vận dụng cao.
Đề Toán thông thường gồm 8 câu hỏi, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản với nội dung: Đồ thị, định lý Vi-ét, điều kiện có nghiệm của phương trình, vận dụng kiến thức đã học giải bài toán thực tế. Câu hỏi còn lại là bài toán hình học phẳng, gồm 3 bài toán nhỏ. - 𝑴𝒐̂𝒏 𝑻𝒊𝒆̂́𝒏𝒈 𝑨𝒏𝒉: Có hai phần cơ bản là ngữ pháp và từ vựng, thí sinh cần phân chia phần tự luận và trắc nghiệm để ôn tập dễ dàng và khoa học hơn.
Cần lưu ý gì khi làm bài thi để đạt kết quả cao? Dưới đây là chia sẻ của những thí sinh đạt điểm cao kỳ thi lớp 10 năm trước và giáo viên dành cho thí sinh dự thi năm nay.
* Nguyễn Đức Huy (điểm 10 môn toán và 9,25 chuyên toán) chia sẻ:
Môn Toán – Đọc kỹ đề thi
Đề thi vào lớp 10 môn toán năm ngoái trong 120 phút theo hình thức tự luận. Trước khi làm bài mình đọc rất kỹ đề. Đề toán phân chia các bài, điểm số theo mức độ dễ đến khó. Trong đó, những bài dễ chiếm khoảng 50%.
Thí sinh nên làm cẩn thận những bài dễ để lấy trọn 5 điểm. Nội dung những bài toán này trong sách giáo khoa. Các bạn cứ ôn theo phương pháp thầy cô ôn ở trường, làm bài chắc theo những gì đã học để có kết quả tốt nhất.
Trong đề thi sẽ có bài hình học, thông thường sẽ có ba câu. Câu a, câu b trong bài hình học thường dễ lấy điểm, thí sinh cần làm chắc để có điểm. Riêng câu c thường là câu khó. Nếu khó quá các bạn nên làm sau. Không nên sa đà vào những câu toán quá khó so với khả năng, tránh mất thời gian để hoàn thành những bài vừa sức.
50% nội dung bài toán còn lại là những bài toán thực tế, cần kiến thức thực tế để có thể đạt điểm cao. Khi ôn luyện thí sinh cần giải những dạng bài thực tế, cọ xát nhiều để có thể đạt điểm cao.
Mình cũng nên chú ý đến cách làm bài thi, giữ tâm thế bình tĩnh và trình bày gọn gàng, dễ hiểu. Bài toán sẽ được chấm theo các phần trong mỗi bài. Những bài nào quá khó nên làm phần dễ trước, chừa giấy lại và dành thời gian suy nghĩ sau khi đã hoàn thành những bài thi mình chắc chắn.
* Trương Hà Minh Thư (9 điểm môn văn và 7,75 điểm môn văn chuyên) chia sẻ:
Môn Ngữ Văn – Giữ bài văn mạch lạc, trúng ý
Khi mở đề văn ra thí sinh cần bình tĩnh để nhận dạng đề tốt nhất. Các bạn nên dành khoảng 5 phút để đọc, phân tích đề. Lúc này cần gạch ra những ý chính trong đề và khai thác những ý nhỏ hơn nhằm viết bài văn mạch lạc, trúng ý.
Đề văn tuyển sinh lớp 10 năm ngoái gồm hai phần, tiếng Việt và làm văn. Đề nào cũng theo cấu trúc như vậy. Phần thí sinh có thể lấy được điểm cơ bản nhất là tiếng Việt. Các bạn nên học kỹ và cẩn thận nhất để có thể lấy trọn điểm phần tiếng Việt. Với phần làm văn sẽ có phần nghị luận văn học, nghị luận xã hội.
Nghị luận văn học thường là những bài về các bài văn trong sách giáo khoa. Thí sinh chỉ cần học trong sách giáo khoa là đủ để làm bài. Các bạn nên lưu tâm đến các ý trong các bài văn để triển khai thay vì học thuộc cả bài vì không thể học thuộc tất cả các bài văn.
“Với phần nghị luận xã hội, gần đây thường thi theo chủ đề. Các bạn nên để ý đến đời sống xung quanh để có những kiến thức tích lũy, làm dẫn chứng cho các bài nghị luận xã hội. Chữ viết của mình cũng không phải quá đẹp. Nhưng theo mình, trình bày trong môn văn khá quan trọng. Vì thế, thí sinh cần trình bày bài viết dễ nhìn, rõ ràng, không nên gạch xóa, bôi đen trong bài làm.”
Những ngày cuối để chuẩn bị cho kỳ thi, các bạn không nên quá áp lực vì sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi. Rất khó hoàn thành tốt bài thi môn văn nếu tâm trạng không thoải mái.
* Hoàng Như Yến Thảo (điểm 10 tiếng Anh và 7,5 điểm chuyên Anh) chia sẻ:
Môn Tiếng Anh – Tăng vốn từ vựng, từ loại
Với môn tiếng Anh, để đạt điểm cao thí sinh nên đọc kỹ đề, phần nào dễ làm trước, khó làm sau. Trong khi làm bài cần phân bổ thời gian hợp lý để có thể dành ra 5, 10 phút kiểm tra lại bài sau khi hoàn thành, tránh những sai sót đáng tiếc.
Về phương pháp làm bài, mình tuân theo nguyên tắc làm bài chậm. Kể cả phần trắc nghiệm mình cũng ghi ra giấy nháp sau đó mới ghi vào bài thi để đảm bảo không sai sót. Mình cũng dành thời gian cho phần đọc hiểu bài thật kỹ. Đọc kỹ mới làm đúng bài. Môn tiếng Anh rất dễ nhầm lẫn, có thể có một chút thử thách trong đề bài khiến học sinh dễ bị đánh lừa.
Đề thi tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 năm ngoái là cả trắc nghiệm và tự luận. Nội dung kiến thức chủ yếu trong sách giáo khoa. Các bạn nên ôn trong sách giáo khoa, làm bài kỹ về tiếng Anh trong sách giáo khoa và phần nhấn âm để lấy trọn điểm phần dễ nhất.
Bài thi môn tiếng Anh thường khó phần từ vựng, từ loại. Muốn có điểm cao thí sinh nên chú ý rèn luyện tăng vốn từ vựng, từ loại.
* Cô Phạm Thị Bé Hiền (hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ:
Nên làm câu nào chắc câu đó
Để có thể đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thí sinh khi vào phòng thi cần bình tĩnh. Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần xâu chuỗi một cách logic những kiến thức đã được học để vận dụng vào làm bài thi một cách chuẩn xác nhất.
Bên cạnh đó, các em cần phải lưu ý đến tiến trình thời gian, cân đối thời gian hợp lý cho các câu hỏi trong đề, để đảm bảo kịp thời gian cho cả bài làm.
Đối với môn toán cần sự chính xác, thí sinh khi làm câu nào cần đọc kỹ đề và làm cẩn thận, làm câu nào đúng câu đó, tránh làm xong mà phát hiện sai phải sửa lại thì vừa gây mất thời gian vừa ảnh hưởng đến tâm lý phòng thi.
Các em nên làm bài theo nguyên tắc câu nào làm là chắc câu đó để lấy điểm trọn câu thì tổng điểm bài thi sẽ tốt hơn là mỗi câu làm một phần không trọn vẹn sẽ khiến điểm bài thi không cao.
Báo Tuổi Trẻ tổng hợp